Cuộc sống hằng ngày của mỗi chúng ta luôn đối mặt với biết bao vấn đề cần giải quyết. Có đôi lúc, chúng ta gặp phải những vấn đề vô cùng khó khăn, đòi hỏi phải suy nghĩ nhiều. Chúng ta giải quyết vấn đề, đưa ra các quyết định hàng ngày ở nhà, cơ quan…

Kỹ năng giải quyết vấn đề giúp người lao động ở mọi vị trí công việc có thể đương đầu với những thách thức trong công việc của họ. Họ sẽ có cơ hội để khám phá tầm quan trọng của việc phát triển các ý tưởng để áp dụng vào quá trình giải quyết vấn đề trong những tình huống công việc mà họ phải đối mặt. Họ sẽ biết cách làm thế nào để nảy sinh những ý tưởng và giải pháp khi cần thiết.

Kỹ năng giải quyết vấn đề và quy trình thực hiện

Kỹ năng giải quyết vấn đề giúp mọi người có thể đương đầu với những thách thức trong công việc.

Vậy vấn đề là gì?

Vấn đề phát sinh khi trạng thái hiện hữu khác biệt với dự kiến, nên cần có tác động mới nhất để giải quyết. Vấn đề luôn phát sinh trong cuộc sống cùng thế giới không ngừng thay đổi. Sự biến đổi càng sâu rộng thì vấn đề càng phức tạp. Thay vì vội vàng đề ra giải pháp, chúng ta cần nhận diện kỹ vấn đề.

Xác định đúng vấn đề là yếu tố căn bản để có giải pháp giải quyết hợp lý, hữu hiệu. Muốn vậy cần tránh nhìn nhận vấn đề một chiều, chỉ dựa theo ý muốn chủ quan của mình mà cần xem xét, hình dung vấn đề theo nhiều cách, từ những góc nhìn khác nhau; phân tích những vấn đề phức tạp thành nhiều hợp phần; tìm mối quan hệ giữa những sự việc khác nhau cũng như những điểm giống nhau từ những sự việc khác nhau.

Trong thực tế, nhiều vấn đề còn tồn tại giống như tảng băng trôi, cái mà chúng ta nhìn thấy chỉ phần nổi, còn phần chìm lớn hơn nhiều mà chúng ta chưa thấy lại có thể mang đến những thảm họa rất lớn. Chính vì vậy, nhà vật lý học lỗi lạc Albert Einstein đã từng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhận diện chính xác vấn đề trước khi đề ra giải pháp: “Nếu có 1 giờ để cứu thế giới, thì sẽ phải dùng 55 phút để xác định vấn đề và chỉ dùng 5 phút để tìm giải pháp”.

Chỉ khi nào chúng ta xác định rõ vấn đề bằng con mắt phê phán khách quan, toàn diện thì chúng ta mới có thể tìm ra cách giải quyết vấ đề một cách sáng tạo, hữu hiệu.

Vấn đề được xem là lớn hay nhỏ tùy thuộc vào năng lực giải quyết của con người. Cách phản ứng sai lệch trước những vấn đề phát sinh sẽ làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn. Vì vậy, chúng ta cần linh hoạt, sáng tạo trong việc tìm ra giải pháp thích hợp. Muốn nắm được sự việc chính xác, chúng ta phải biết đề ra những câu hỏi chính xác qua cách đào sâu suy nghĩ toàn bộ tình thế mà mình đang phải đương đầu.

Cuối cùng, chúng ta cần xác định khả năng giải quyết vấn đề. Điều này đòi hỏi chúng ta phải đánh giá đúng đắn, khách quan trạng thái hiện hữu và mục tiêu cần đạt được; cũng như phải xem xét những yếu tố khách quan về nội lực, thuận lợi, khó khăn, đối tác, đối thủ,…

Quy trình giải quyết vấn đề:

Bao gồm các bước sau:

  • Xác định vấn đề.
  • Phân tích nguyên nhân.
  • Đưa ra giải pháp.
  • Lựa chọn giải pháp tối ưu.
  • Triển khai kế hoạch hành động.
  • Đánh giá kết quả.